Giao tiếp tiếng Anh qua điện thoại

Ngày đăng:13/11/2019

Không quen “accent” của người nói, không thể nhìn vào ngôn ngữ cơ thể để đoán ý, nhiều người gặp khó khăn khi nói tiếng Anh qua điện thoại.

Giao tiếp qua điện thoại là nỗi sợ hãi đối với nhiều người học tiếng Anh, có lẽ còn đáng sợ hơn cả phim “Insidious”.
Việc khó nhất của nói chuyện điện thoại là nghe, đặc biệt là khi bạn nói với người bản xứ hoặc không quen “accent” của người nói. Nghe tiếng Anh qua điện thoại thực sự là một thử thách, vì bạn không thể nhìn vào ngôn ngữ cơ thể của người đối diện để đoán được.
Với những người có khả năng nghe chưa tốt, đôi khi bạn không chắc vì mình nghe kém hay vì người ta nói từ mới mà không thể nắm bắt được ý.
Nếu bạn nói chuyện điện thoại ở Mỹ, và hỏi “I’m sorry, what do you mean?”, họ sẽ nhắc lại chính xác những gì họ vừa nói, to hơn. Khả năng cao là bạn vẫn sẽ ù ù cạc cạc. Do đó, đôi khi chiến lược khôn ngoan là: “Do you mean…?” nếu bạn đoán được ý của người nói.

Hồi mới sang Mỹ, mình phải gọi khắp nơi, từ trường học đến bên bảo hiểm, thuê nhà. Gọi riết rồi cũng quen, giờ thì về cơ bản mình có thể tự tin giao tiếp qua điện thoại. Đây là một kỹ năng hoàn toàn có thể nâng cao qua thực hành.
Bạn không cần quá sợ khi nói chuyện điện thoại bằng tiếng Anh, chỉ cần nhớ hai nguyên tắc căn bản (telephone etiquette) là nói rõ ràng và lịch sự.
Lịch sự có nghĩa bạn luôn sử dụng ngôn ngữ phù hợp trong cuộc trò chuyện. Một mặt, nó thể hiện sự tôn trọng người đối diện; mặt khác, nó hỗ trợ cho việc nghe hiểu qua điện thoại. Nói rõ ràng có nghĩa bạn cần tránh hiểu nhầm không cần thiết. Đồng thời, bạn cần nghe thật cẩn thận để hiểu rõ những gì đối phương muốn nói và yêu cầu.
Ví dụ, khi cái tay cầm cửa nhà vệ sinh hỏng, mình gọi cho “maintenance” hỏi: “Hi, I am from room 214 (giới thiệu bản thân). I am calling because the doorknob in my restroom is broken (mục đích cuộc gọi). Can you come and fix it? (yêu cầu)”.
Khi gọi điện cho công ty lớn, và muốn gặp một người cụ thể, bạn hãy nhớ xưng tên của mình, tên người cần liên lạc và phòng làm việc: “Hello, my name is Quang from XYZ, can/may/could I talk/speak to Mr. Quan in the technical department please?”.
Đôi khi, thư ký công ty có thể hỏi bạn về mục đích cuộc gọi: “Can/could/may I ask the nature of (the call)/(your business) please?”.
Nếu bạn được chuyển máy, thông thường người ta sẽ nói:
– Would you hold on a minute while I try to find her/him?
– Could you hold, please?
– Please hold a moment.
– One/just a moment, please…
Nếu vì lý do gì đó, người bạn muốn gặp có việc bận, không nghe điện thoại được, lễ tân có thể nói:
– I’m sorry, but Mr. Quan is not here right now. May I take a message, or would you like to call back later?
Tất nhiên, nói chuyện với lễ tân là dễ nhất, vì nhiệm vụ của họ chỉ là chuyển máy. Khi thực sự nói chuyện với người cần gặp, khó khăn mới xuất hiện, thường gặp nhất là khi bạn không hiểu người ở đầu dây kia nói gì. Đừng ngại yêu cầu họ nói lại theo cách lịch sự nhất có thể.
Trong hầu hết trường hợp, bạn sẽ hiểu ra được vấn đề. Nhưng đôi khi, người bản xứ nói một từ “key word” nào đó rất khó hiểu, bạn thường phải chấp nhận. Nếu đó là thông tin quan trọng, cách tốt nhất là yêu cầu làm việc qua email.

Tác giả:Thầy Đoàn Khắc Trình

Tin Liên Quan