Nguồn gốc của ngày Quốc tế Hạnh phúc

HẠNH PHÚC

 

Hạnh phúc là đích đến trong cuộc đời mỗi con người. Dù trong giai đoạn lịch sử nào, trong bất cứ chế độ xã hội nào hay hoàn cảnh có khắc nghiệt tới mấy, con người vẫn luôn cố gắng tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Bắt nguồn từ nhu cầu thiết thực đó, Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 20/3 hàng năm là Ngày Quốc tế Hạnh Phúc.

Nguồn gốc của ngày Quốc tế Hạnh phúc

Ngày 28/2/2012, Đại Hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết lấy ngày 20/3 hàng năm là Ngày Hạnh phúc cho toàn thế giới theo đề xuất của Vương quốc Phật giáo Bhutan Himalaya. Khẩu hiệu của Bhutan là: “Hạnh phúc tự nhiên cho Dân tộc”.

Ngày 20/3/2013 là lần đầu tiên nhân loại tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Nhân dịp này, Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc Ban-Ki-moon đã có lời kêu gọi công dân tất cả các nước “cam kết giúp đỡ những người xung quanh”, thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện của nhân loại bằng “tình yêu thương làm lan tỏa hạnh phúc và giúp chúng ta xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.

Ý nghĩa của ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3

Sở dĩ ngày 20/3 được chọn là ngày Quốc tế Hạnh phúc vì đây là ngày đặc biệt trong năm khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo nên trong ngày này, ngày và đêm có độ dài bằng nhau. Vì thế ngày này còn là biểu tượng cho sự hài hòa, cân bằng của vũ trụ. Qua đó, việc chọn ngày 20/3 làm Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng truyền tải thông điệp rằng cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.

Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2589/QĐ-TTg  ngày 26/12/2013 phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm”.

Điều đó mang ý nghĩa lớn lao nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc; nâng cao nhận thức toàn xã hội về ngày Quốc tế Hạnh phúc, để từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam./.

 

Tin Liên Quan