LÝ THƯỜNG KIỆT (1019 – 1105) Danh tướng thời Lý

LÝ THƯỜNG KIỆT (1019 – 1105)

Danh tướng thời Lý

 

Lý Thường Kiệt (sinh năm 1019, mất năm 1105) vốn thuộc họ Ngô, tên thật là Tuấn, tự là Thường Kiệt, sau được ban quốc tính (được mang họ nhà vua) nên gọi là Lý Thường Kiệt. Ông quê phường Thái Hòa, trong thành Thăng Long.

Từ nhỏ Lý Thường Kiệt đã tỏ ra là người có chí hướng và nghị lực, chăm học tập, rèn luyện cả văn lẫn võ, từng nghiên cứu sâu về binh pháp.

Dưới triều Lý Thái Tông ông được bổ nhiệm giữ chức Kỵ mã hiệu úy (một chức quan nhỏ trong kỵ binh) khi ông 21 tuổi. Năm 1041, ông được sung vào ngạch thị vệ để hầu vua, giữ chức Hoàng môn chi hậu (là một chức quan thái giám), rồi được thăng dần lên chức Đô tri, trông coi việc trong cung.

Năm 1054, Lý Thánh Tông lên ngôi, phong ông chức Bổng hành quân hiệu úy, tức là một chức võ quan cao cấp, rồi được thăng Kiểm hiệu thái bảo.

Năm 1961, ông được lệnh cầm quân đi trấn yên Thanh – Nghệ.

Năm 1069 ông cầm quân đi đánh Champa và giành thắng lợi lớn, ông được ban các chức tước: Phụ quốc thái phó và Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Khai quốc công. Sau đó lại thăng chức Thái úy, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự (là chức quan đứng thứ hai trong triều).

Năm 1072, vua Lý Nhân Tông lên ngôi, Lý Thường Kiệt được giữ chức Đôn quốc thái úy, Đại tướng quân, Đại tư đồ, tước hiệu Thượng phụ công, với cương vị như Tể tướng, ông nắm toàn quyền cả văn lẫn võ.

Từ năm 1075 – 1977, đánh thắng giặc Tống. Năm 1982, ông thôi giữ chức Tể tướng và được cử về trị nhậm trấn Thanh Hóa.

Đến năm 1101, vua Lý Nhân Tông lại mời ông trở về triều giữ lại chức Tể Tướng, cầm quân đánh giặc Lý Giác ở Diễn Châu (năm 1103), dẹp giặc Chiêm Thành ở Bố Chính (1104).

Trong thời bình, ông có công tổ chức lại quân đội,  chấn chỉnh bộ máy hành chính, tu bổ đê điều, đường sá… Năm 1105, ông mất, được phong tặng Kiểm hiệu Thái úy bình chương quân quốc trọng sự, Việt quốc công, được lập đền thờ ở nhiều nơi.

Lý Thường Kiệt là một nhà quân sự kiệt xuất, có tài thao lược lỗi lạc. Ông cũng là một nhà chính trị tài giỏi và nhà ngoại giao xuất sắc. Về văn học, ông để lại cho đời bài hịch hùng tráng “Phạt Tống lộ bố văn” (Lời tuyên bố đánh Tống).

 

Tin Liên Quan