PHƯƠNG PHÁP MẸO HAY LÀM BÀI THI VẬT LÝ GIÁO VIÊN PHẠM THỊ LAN

PHƯƠNG PHÁP MẸO HAY LÀM BÀI THI VẬT LÝ GIÁO VIÊN PHẠM THỊ LAN

Đối với một số học sinh, môn lý rất khó để học tốt. Nhưng đối với tôi, môn lý rất thú vị. Cũng đã đạt được thành tích tốt với môn này như học sinh giỏi cấp tỉnh, tôi muốn chia sẻ với các em học sinh những kinh ngiệm học tập của tôi.

  1. PHƯƠNG PHÁP CHUNG:

Môn vật lý là môn nghiên cứu những hiện tượng xảy ra trong đời sống. Nên chỉ cần hiểu rõ hiện tượng là có thể hiểu và tìm được hướng giải cho bài toán vật lý. Phần còn lại là áp dụng công thức đã học cùng với những dữ kiện của đề bài, thêm một chút tính toán; học sinh có thể giải bài toán lý một cách dễ dàng. Điều quan trọng là phải hiểu rõ công thức để không làm sai.

Trước tiên, để có thể hiểu rõ những vấn đề trong môn vật lý, học sinh phải chăm chú nghe giảng. Những hiện tượng chỉ tuân theo một số nghuyên tắc nhất định, và để hiểu rõ những hiện tượng đó thì học sinh có thể hỏi thầy cô trên lớp, những bạn giỏi về môn này để giải thích giúp. Học sinh có thể lên mạng để tìm những hình ảnh minh họa, những đoạn phim mô phỏng những thí nghiệm học trên lớp. Trên mạng có rất nhiều tư liệu và minh họa dễ hiểu. Chỉ cần hiểu rõ hiện tượng là học sinh đã phần nào làm được những câu lý thuyết.

Sau đó là công thức tính toán, môn lý có hai phần: thứ nhất là phần lý thuyết, thứ hai là phần bài tập. Việc nhớ rõ công thức là điều rất quan trọng. Vì nếu học sinh nhớ sai công thức thì kết quả bài làm sẽ sai. Lúc học những công thức mới, tôi cũng cảm thấy rất khó nhớ. Nhưng tôi không cố gắng học công thức ngay từ đầu mà lấy bài tập ra làm. Trong lúc làm vẫn lấy công thức ra xem. Nhưng rồi làm nhiều bài như vậy, khoảng 10 bài là đã nhớ công thức. Như vậy vừa hiểu rõ công thức, vừa biết áp dụng đúng và nhớ công thức lâu.

Một việc nữa là trong sách giáo khoa, để cho dễ hiểu, người ta thường đưa ra những công thức rút gọn cho những trường hợp đặc biệt từ một công thức tổng quát. Và điều này giúp học sinh làm câu hỏi trắc nghiệm nhanh hơn. Vì thế số lượng công thức mà học sinh phải học là nhiều hơn và khó nhớ hơn. Điều này dễ làm rối học sinh.

Theo tôi thì nên nhớ một công thức gốc, rồi tùy trường hợp mà đơn giản công thức lại. Nếu học sinh nào có thể nhớ hết thì rất tốt, nhưng theo tôi số lượng công thức là nhiều, rất nguy hiểm khi học sinh nhớ không rõ công thức, và việc nhớ một công thức tổng quát sẽ làm học sinh cảm thấy dễ chịu hơn và nhớ lâu hơn. Và nếu làm nhiều học sinh sẽ quen với những trường hợp đặc biệt mà không cần cố nhớ công thức cho những trường hợp đặc biệt lúc đầu.

Tôi để ý thấy một số học sinh sau khi đọc xong đề thì tưởng tượng trong đầu hiện tượng rồi viết công thức tính toán ngay. Tôi nghĩ nên vẽ hình minh họa hiện tượng trước rồi hãy tính toán. Điều này giúp học sinh hiểu rõ hiện tượng hơn và ít bị rối hay làm sai bài toán.

Với những bài phức tạp thì việc vẽ hình còn quan trọng hơn nữa, nhưng tôi thấy một số học sinh vẽ hình minh họa rất sơ sài hay vẽ rất nhỏ. Theo kinh nghiệm, tôi nghĩ nên vẽ hình lớn một chút, vì sau đó ta còn viết hay vẽ thêm nhiều dữ kiện khác. Điều này giúp cho hình minh họa dễ nhìn hơn và có thể viết những dữ kiện đề bài cho ngay trên hình vẽ. Nó sẽ giúp việc tính toán chính xác và nhanh hơn.

Trình tự làm một bài toán vật lý mà tôi đã làm là:

Đọc để hiểu đề muốn tìm những đại lượng nào.

Tóm tắt đề bài: ghi ra những đại lượng cần thiết cho việc tìm ra đại lượng mà đề bài yêu cầu.

Đổi đơn vị nếu cần (học sinh thường không để ý hay quên làm bước này).

Vẽ hình minh họa (nếu hiện tượng có nhiều vật tham gia hay có nhiều trường hợp).

Suy nghĩ  những công thức nào có thể dùng để giải.

Tìm ra đại lượng cần tìm sau khi biến đổi và kết hợp các công thức (chưa vội thế số).

Thế số để tìm ra kết quả cuối cùng.

Để ý đơn vị của kết quả có phù hợp thực tế không.

Về việc tóm tắt đề bài, tôi thấy một số học sinh không làm bước này mà tìm những dữ kiện cần thiết trong đề. Điều này dễ làm rối học sinh vì trong đề có rất nhiều chữ và những con số cần thiết thì không nhiều. Việc tóm tắt sẽ làm học sinh biết được đề bài cho những đại lượng nào, đại lượng nào chưa có để học sinh có hướng giải cho bài toán.

Còn một điều nữa là thông thường tôi thấy học sinh hay than vãn về một môn nào đó mà chúng không giỏi. Và tại vì không giỏi nên làm thế nào cũng không giỏi, không chịu dành thời gian nhiều hơn cho môn đó. Học sinh thường tập trung cho những môn chúng giỏi, dành nhiều thời gian hơn cho những môn đó và ít dành thời gian cho những môn chúng không giỏi. Vậy là môn giỏi thì càng giỏi và môn không giỏi thì càng không giỏi.

Với môn lý cũng vậy. Nếu học sinh muốn giỏi thì bỏ thời gian ra làm bài tập, hỏi thầy cô, bạn bè, hay đi học thêm cũng được. Nhưng điều quan trọng là phải có cách học hợp lý và dành thời gian đúng mức cho môn đó. Tôi cũng vậy, mỗi lần học xong một chương sách mới, tôi cảm thấy rất khó hiểu. Nhưng vì tôi cố gắng dành thời gian giải bài tập và mua sách đọc thêm. Và cũng nhờ vậy mà tôi thấy môn lý không quá khó như các bạn tôi than vãn. Tôi cũng dành nhiều thời gian cho môn toán, và kết quả môn toán của tôi cũng rất tốt.

  1. CÁCH LÀM BÀI TẠP TRẮC NGHIỆM

Trước đây môn Vật lý thi tự luận còn tập trung vào kiến thức trọng tâm, các thầy còn đoán tủ được. Với thi trắc nghiệm, nguyên tắc của đề thi bao quát toàn bộ chương trình lớp 12. Vì vậy các em phải ôn toàn bộ chương trình, không bỏ trống phần nào, thi trắc nghiệm cần có thủ thuật riêng. Nếu các em không nắm chắc được toàn diện chương trình thì các em phải lưu ý các điểm sau:
Thứ nhất: Khi làm bài các em phải đọc lướt qua toàn bộ câu hỏi, để nhận biết câu khó và câu dễ. Các câu dễ thì làm ngay, để đỡ mất thời giờ vòng lại, còn thời gian tập trung thời gian cho các câu hỏi khó.
Thứ hai: Các em nên hiểu 1 vài chi tiết quan trọng trong từng phần một để các em đỡ mất thời gian trong việc phán đoán.
Chẳng hạn trong bài toán Dao động điều hoà, con lắc ở toạ độ xác định thì bao giờ vận tốc của nó cũng có hai giá trị chạy theo chiều dương hoặc chạy theo chiều âm. Vậy trong 4 đáp án đề đưa ra thì đáp án nào có 1 dấu đáp án dương hoặc âm là đáp án sai thì các em không cần tập trung vào đó. Vì ở một vị trí xác định, con lắc có thể chạy sang trái hoặc sang phải, vận tốc của nó là 2 giá trị cộng trừ. Vậy các em chỉ cần xem đáp án nào có 2 giá trị cộng và trừ thì một trong 2 đáp án này là đáp án đúng.
Thứ ba: Có một số đề ra thử sự phán đoán của các em tức là có những đáp án đề đưa ra con số lạc hẳn đi. Ví dụ: Khi nghiên cứu về Quang điện thì ánh sáng dùng cho hiện tượng Quang điện chỉ ở vùng ánh sáng tử ngoại hoặc ánh sáng nhìn thấy thì bức sóng của nó chỉ trên dưới 0,1 – 0,5 µm (Mi cờ rô mét). Vậy đề cho đáp án 1,4 µm thì là đáp án sai. Các em cần chú ý để đỡ mất thời gian.
Bên cạnh đó, có một số đề bài các em cần chú ý là đề cho 2 giá trị khác nhau trong một đáp án. Ví dụ: Tìm giải bức sóng không dao động bắt được trong khi thu sóng điện từ thì có giá trị đầu, giá trị cuối. Nhìn tinh thì các em sẽ thấy điện dung biến thiên từ giá trị thấp nhất đến giá trị cao nhất, chênh nhau bao nhiêu lần. Bước sóng thu được sẽ tỷ lệ căn với điện dung C đó.
Chẳng hạn, tụ C giá trị nhỏ nhất so với giá trị lớn nhất của nó chênh 25 lần thì căn của nó là 25 lần, giá trị đầu của bước sóng với giá trị cuối bước sóng ấy chênh nhau 5 lần là đáp án đúng. Còn đáp án nào không đúng với 5 lần đó chắc chắn là sai, không cần thử.
Thí sinh có 2 cách để tìm đáp án đúng
Cách thứ nhất: 
Giải bài toán đầu bài đưa ra tìm đáp số xem có đúng với đáp án thì đáp án đó dùng được.

Cách thứ hai: Ta dùng đáp án đó đưa vào công thức mà các em biết thì đáp án nào đưa vào công thức có kết quả hợp lý là đáp án đúng.
Khi loại trừ được 2 kết quả. Các kết quả còn lại các em đưa vào công thức thì việc tìm kết quả đúng sẽ nhanh hơn.

Nhược điểm lớn nhất của học sinh khi làm bài là gì?

Nhược điểm lớn nhất của các học sinh khi làm bài Vật lý là các em thường hiểu sai hiện tượng, nên kết quả phán đoán sai.

Vật lý khác với Toán học và chỉ có mối liên hệ với toán học bằng các phương thức của phương trình nhưng có những đề thuộc bản chất của Vật lý không nằm trong phương trình toán học. Đôi khi các thí sinh không để ý.
Ví dụ: Năm trước có đề mà dư luận đã tranh cãi như trong đại lượng, bước sóng, vận tốc truyền sóng, chu kỳ, tần số… những đại lượng nào phụ thuộc vào nhau? Thực ra cách hỏi sai lầm ở chỗ là dùng từ phụ thuộc vào nhau, thực ra nó chỉ liên quan tới nhau về công thức toán học.
Bước sóng, tần số và chu kỳ có liên quan tới nhau trong công thức toán học nhưng vận tốc truyền sóng thực ra bản chất Vật lý nó là hằng số phụ thuộc vào môi trường chứ không phụ thuộc vào đại lượng kia.

Trong công thức liên quan tới nhau nhưng trong thực tế vận tốc truyền sóng lại đại lượng cố định phụ thuộc vào cấu trúc của môi trường. Khi học sinh không hiểu vấn đề nên thấy công thức nó giống nhau lại đi tuyên bố đại lượng này phụ thuộc vào đại lượng kia là không đúng.
Khắc phục được điều này các em phải chịu khó nghe giảng vận dụng kiến thức hiểu bản chất của vấn đề thì các em làm được.
Để làm bài thi trắc nghiệm không có gì khó vì câu hỏi của thi trắc nghiệm ngắn, không đi vào tình huống phức tạp, các tình huống trong thi trắc nghiệm rất rõ ràng nên trong thi tốt nghiệp đề hỏi cũng không lắt léo.
Thi trắc nghiệm không có học tủ mà phải có kiến thức đầy đủ, sâu rộng. Các em không phải làm bài quá khó, quá dài mà chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản là các em làm được bài.
Kiến thức là sự hiểu biết của con người. Các em học phải quan tâm tới việc hiểu kiến thức chứ không thể nắm bắt cho qua. Khi các em học không những kỳ thi trước mắt mà cả sau này trong làm việc và trong cuộc sống.

III. THỦ THUẬT LÀM BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM:

 

Chiêu thứ 1.
Khi trong 4 phương án trả lời, có 2 phương án là phủ định của nhau, thì câu trả lời đúng chắc chắn phải là một trong hai phương án này.
Ví dụ: Cho đồ thị biểu diễn một quá trình biến đổi trạng thái của chất khí (hình dưới). Trong quá trình diễn biến từ trạng thái 1 đến trạng thái 2

  1. áp suất chất khí giảm; 
    B. thể tích chất khí tăng; 
    C. nhiệt độ chất khí thay đổi; 
    D. nhiệt độ chất khí không đổi. 
    Chọn đáp án SAI.
    Rõ ràng với trường hợp câu hỏi này, ta không cần quan tâm đến hai phương án A và B, vì C và D không thể cùng đúng hoặc cùng sai được. Nếu vào thi mà gặp câu hỏi như thế này thì coi như bạn may mắn, vì bạn đã được trợ giúp 50 – 50 rồi !
    Chiêu thứ 2.
    Khi 4 đáp số nêu ra của đại lượng cần tìm có tới 3, 4 đơn vị khác nhau thì hãy khoan tính toán đã, có thể người ta muốn kiểm tra kiến thức về thứ nguyên (đơn vị của đại lượng vật lí) đấy.
    Ví dụ: Một động cơ có thể kéo một chiếc tàu đi xa 100m trong khoảng thời gian 20 giây với lực phát động trung bình 5000N. Công suất của động cơ này là 
    A. 500 000 J;
    B. 500 000 kg.m/s;
    C. 34 CV;
    D. 34 N.s.
    Với bài toán này, sau một loạt tính toán, bạn sẽ thu được đáp số là 34 CV. Tuy nhiên, chỉ cần nhanh trí một chút thì việc chọn đáp số 34 CV phải là hiển nhiên, không cần làm toán.
    Chiêu thứ 3.
    Đừng vội vàng “tô vòng tròn” khi con số bạn tính được trùng khớp với con số của một phương án trả lời nào đấy. Mỗi đại lượng vật lí còn cần có đơn vị đo phù hợp nữa.
    Ví dụ: Một hòn đá nặng 5kg đặt trên đỉnh một tòa nhà cao 20m. Lấy mốc thế năng bằng không tại mặt đất và g = 10m/s2. Thế năng của hòn đá này là
    A. 100 J; 
    B. 100 W; 
    C. 1000 W;
    D. 1 kJ.
    Giải bài toán này, bạn thu được con số 1000. Nhưng đáp án đúng lại là 1 cơ. Hãy cẩn thận với những bài toán dạng này.
    Chiêu thứ 4.
    Phải cân nhắc các con số thu được từ bài toán có phù hợp với những kiến thức đã biết không. Chẳng hạn tìm bước sóng của ánh sáng khả kiến thì giá trị phải trong khoảng 0,380 đến 0,760 m. Hay tính giá trị lực ma sát trượt thì hãy nhớ là lực ma sát trượt luôn vào khoảng trên dưới chục phần trăm của áp lực. Trong ví dụ sau, hai con số 0,5 N và 6,48 N rõ ràng là không thể chấp nhận được.
    Một ô tô có khối lượng 2 tấn đang chuyển động với vận tốc 36 km/h thì tắt máy, sau khi đi được đoạn đường 200m thì dừng hẳn. Lực ma sát trung bình tác dụng lên ô tô trong quá trình này có độ lớn 
    A. 500 N; 
    B. 0,5 N;
    C. 6,48 N; 
    D. 6480 N.
    Bao giờ cũng vậy, trong 4 phương án trả lời, với một chút tinh ý và óc phán đoán nhanh, trên cơ sở kiến thức đã học, bạn luôn luôn có thể loại trừ ngay 2 phương án không hợp lí.
    Chiêu thứ 5.
    Luôn luôn cẩn thận với những từ phủ định trong câu hỏi, cả trong phần đề dẫn lẫn trong các phương án trả lời. Không phải người ra đề thi nào cũng “nhân từ” mà in đậm, in nghiêng, viết hoa các từ phủ định cho bạn đâu. Hãy đánh dấu các từ phủ định để nhắc nhở bản thân không phạm sai lầm. 
    Ví dụ: Hệ số đàn hồi (hay độ cứng) của một vật đàn hồi không phụ thuộc vào
    A. tiết diện ngang của vật đàn hồi;
    B. chiều dài ban đầu của vật đàn hồi;
    C. bản chất của vật đàn hồi; 
    D. khối lượng riêng của vật đàn hồi.
    Hãy nhớ là mỗi kì thi có không ít sĩ tử “trận vong” chỉ vì những chữ “không” chết người như trên đây !
    Chiêu thứ 6.
    Tương tự, bạn phải cảnh giác với những câu hỏi yêu cầu nhận định phát biểu là đúng hay sai. Làm ơn đọc cho hết câu hỏi. Thực tế có bạn chẳng đọc hết câu đã vội trả lời rồi.
    Ví dụ: Chọn câu phát biểuĐÚNG.
    A. Khi các phân tử ở rất gần nhau, lực tương tác giữa chúng là lực hút; 
    B. Không có nhiệt độ thấp hơn 0 K; 
    C. Trong quá trình đẳng áp, thể tích khí tỉ lệ nghịch với nhiệt độ tuyệt đối; 
    D. Trong hệ tọa độ (p, V), đường đẳng nhiệt là một parabol.
    Cho như câu này là nhân đạo lắm ! Sĩ tử có thể chết “bất đắc kì tử” vì những câu “thòng” phía sau như câu sau đây, mà không hiểu sao, có nhiều bạn không thèm đọc đến khi làm bài !
    Khi vận tốc của một vật biến thiên thì 
    A. động lượng của vật biến thiên;
    B. thế năng của vật biến thiên;
    C. động năng của vật biến thiên;
    D. cơ năng của vật biến thiên.
    Chọn đáp ánSAI.
    Chiêu thứ 7.
    Đặc điểm của bài kiểm tra trắc nghiệm là phạm vi bao quát kiến thức rộng, có khi chỉ những “chú ý”, “lưu ý”, “nhận xét” nhỏ lại giúp ích cho bạn rất nhiều khi lựa chọn phương án trả lời. Nắm chắc kiến thức và tự tin với kiến thức mà mình có, không để bị nhiễu vì những dữ kiện cho không cần thiết.Xét ví dụ sau: Ném một vật lên cao với vận tốc ban đầu 5 m/s. Biết lực cản của không khí tỉ lệ với bình phương vận tốc của vật. Vận tốc của vật khi rơi xuống chạm đất có giá trị
    A. vẫn là 5 m/s; 
    B. lớn hơn 5 m/s; 
    C. nhỏ hơn 5 m/s; 
    D. không thể xác định được.
    Trong bài toán này, chi tiết “tỉ lệ với bình phương vận tốc” đưa ra chỉ với một mục đích là làm cho bạn bối rối. Mấu chốt vấn đề là ở chỗ có sự xuất hiện của lực cản trong bài toán. Đơn giản thế thôi. Hãy vứt đi chi tiết “tỉ lệ với bình phương vận tốc”, là dữ kiện không cần thiết (dữ kiện gây nhiễu), bài toán hẳn là đơn giản đi rất nhiều.

    Trên đây là một số thủ thuật làm bài kiểm tra trắc nghiệm vật lí. Hi vọng là mấy “chiêu thức” đơn sơ này có thể giúp ích cho bạn phần nào khi bước vào phòng thi. Tuy nhiên, có một điều tôi muốn nhấn mạnh với bạn rằng: Cho dù hình thức kiểm tra, đánh giá có thay đổi như thế nào đi nữa thì học cho chắc và bình tĩnh, tự tin khi làm bài vẫn là hai yếu tố then chốt quyết định cho sự thành công của bạn.

 

Tin Liên Quan