TRƯỜNG CHINH (1907-1988)

TRƯỜNG CHINH (1907-1988)

Nhà hoạt động cách mạng. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam

 

         Đồng chí Trường Chinh là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam ở thế kỷ XX, nhà văn hóa lớn, nhà văn, nhà báo, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam như hai lần giữ chức Tổng Bí thư.

          Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu (1907-1988) ở thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học, được sự giáo dục của cha, ông sớm làm quen với Tứ thư, Ngũ kinh, và được đào tạo bài bản về văn hóa và lịch sử. Lớn lên, ông bắt đầu tiếp xúc với Tây học và theo học bậc thành chung tại Nam Định. Tại đây, ông đã tham gia phong trào đấu tranh đòi ân xá cho Phan Bội Châu, để truy điệu Phan Chu Chinh.

         Tinh thần cách mạng vẫn chảy trong dòng máu của người thanh niên ấy. Không lâu sau, ông lên Hà Nội học và tham gia hoạt động chính trị vào các tổ chức Đảng lúc bấy giờ. Năm 1941, ông được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, khi chuẩn bị cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, trước tình thế gay go quyết liệt trên chiến trường Đông Dương, Trung ương Đảng ra chỉ thị. “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đồng chí Trường Chinh chủ trì hội nghị và là người phụ trách Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Đến năm 1951, ông lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và giữ chức Tổng Bí thư cho đến năm 1956. Ngoài ra, ông còn giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Phó Thủ  tướng Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, Uỷ viên Bộ Chính trị, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thống nhất. Năm 1981, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà  nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Năm 1986, Trường Chinh lại một lần nữa được bầu làm Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, làm cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban soạn thảo Cương lĩnh và chiến lược kinh tế và kiêm Trưởng tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh chính trị của Đảng.

         Không chỉ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam ở thế kỷ 20, ông còn là một nhà văn hóa lớn, nhà văn với bút danh Sóng Hồng, nhà thơ, nhà báo. Đồng chí Trường Chinh có vốn hiểu biết uyên bác về nhiều mặt, đặc biệt về lịch sử văn hóa dân tộc. Ông đã để lại 1 số tác phẩm: Đề cương văn hóa Việt Nam (1943). Cuốn chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam là những công trình đặt cơ sở cho đường lối xây dựng nền văn hóa cách mạng Việt Nam theo phương châm khoa học và đại chúng là cốt lõi cho nền văn hóa Việt Nam. Là một nhà cách mạng chân chính nên khi làm văn, làm thơ hay viết báo ông luôn thể hiện quan điểm trong ngòi bút sắc sảo, khúc triết, đầy tính chiến đấu cao, tính thời sự nóng hổi. Với bút danh Sóng Hồng, là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền báo chí cách mạng nước ta,  tập thơ Sóng Hồng được tập hợp trong hai tuyển tập do Nhà xuất bản văn học ấn hành vào năm 1966 và 1974 gồm 202 bài thơ thuộc nhiều thể loại khác nhau.  

         Với những cống hiến to lớn của ông đối với Đảng và nhà nước. Ông được tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huân chương cao quý khác.Tên tuổi, sự nghiệp của đồng chí Trường Chinh mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng của dân tộc và sống mãi trong lòng các thế hệ Việt Nam.

 

Tin Liên Quan